Le Dong Hai Nguyen

Economic Analyst • Georgetown SFS • World Bank
Gần đây Israel được truyền thông thế giới chú ý vì có tỷ lệ tiêm chủng trên đầu người cao nhất thế giới – gần một phần tư trong số 9,3 triệu công dân của nước này đã được tiêm chủng tính đến đầu tuần này. Quốc gia Do Thái này đã có sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ xét nghiệm dương tính, cũng như về số lượng các ca bệnh nặng và số ca phải thở máy. Tuy nhiên, thành công này của Israel có thể khó áp dụng đối với phần lớn thế giới. Các nước nên tham khảo bài học của Việt Nam, một câu chuyện thành công trong chống dịch Covid với chi phí thấp.
Hầu như trong suốt năm 2020 vừa qua, quốc gia Đông Nam Á này đã kiểm soát được sự lây lan của đại dịch. Cho đến cuối tháng 7, tổng số ca nhiễm của Việt Nam chỉ ở mức hàng trăm và không có một trường hợp tử vong nào được ghi nhận. Ngay cả với 3 làn sóng dịch Covid, số ca tử vong ở Việt Nam chỉ là 35 người (theo số liệu của Viện Đại học John Hopkins) và mấy tuần gần đây thì không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Đâu là bí mật đằng sau thành công kỳ diệu này, đặc biệt là đối với một quốc gia tương đối nghèo và có đường biên giới dài với Trung Quốc?
Yếu tố đầu tiên và được cho là quan trọng nhất là việc đeo khẩu trang. Vào đầu năm ngoái, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới và các cơ quan công quyền ở nhiều nước phát triển từ Hoa Kỳ, Anh Quốc đến Singapore đều không khuyến khích công dân của họ đeo khẩu trang (một số thậm chí còn tuyên bố đeo khẩu trang sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh), thì các nhà chức trách Việt Nam đã nhanh chóng ban hành quy định đeo khẩu trang toàn quốc từ đầu tháng 3. Ngay cả trước khi có lệnh của chính phủ, khẩu trang đã được chấp nhận như một phần của ‘thực tế cuộc sống’ ở nhiều thành phố của Việt Nam. Truyền thông phương Tây thường liên kết điều này với vấn nạn ô nhiễm không khí, nhưng có một lời giải thích khác thường bị bỏ qua. Cái nắng gay gắt và sự mong muốn có được một làn da trắng đã khiến quần áo dài tay và khẩu trang chống nắng trở thành một phần không thể thiếu đối với nhiều người dân Việt Nam – đặc biệt là khi hầu hết người Việt Nam không bôi kem chống nắng, theo báo cáo năm 2016 của công ty tư vấn thị trường W&S.
Quan điểm của tôi là các quốc gia khác trên thế giới nên khuyến khích văn hóa đeo khẩu trang vì vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về các chủng coronavirus mới và tác động của chúng đối với sự hiệu quả của vắc xin. May mắn thay, đã có một xu hướng nhỏ về việc tiếp tục sử dụng khẩu trang sau đại dịch ở các nước phương Tây — vì lo ngại về quyền riêng tư (như đã thấy trong chiến dịch huy động vốn cộng đồng của hãng khẩu trang Blanc), sự đồng cảm với những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc vì lo lắng về các bệnh hô hấp và các đại dịch khác trong tương lai.
Một điều quan trọng cần lưu ý là các quy định của chính phủ, dù có đúng đắn như thế nào đi chăng nữa, cũng phụ thuộc rất lớn vào sự tin tưởng và khả năng sẵn sàng hợp tác của người dân. Theo một khảo sát của YouGov, hơn 90% người Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng vào cách xử lý của chính phủ đối với đại dịch.
Bí mật đằng sau thành tựu này có thể là do chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch. Nhà nước đã tổ chức lại hệ thống y tế dự phòng thành một mạng lưới các ‘trung tâm kiểm soát dịch bệnh’ (đồng thời cũng khớp với từ viết tắt CDC được sử dụng phổ biến tại Mỹ), cũng như nhanh chóng khiển trách, sa thải hoặc thậm chí truy tố các quan chức hoặc nhân viên chính phủ vi phạm các quy định chống dịch.
Những yếu tố trên đã thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và nhận được nhiều lời khen ngợi từ công chúng.
Một lý do khác khiến chính phủ Việt Nam có tỷ lệ chấp thuận cao nhất thế giới về chống dịch là nhờ vào thành công trong việc khơi dậy lòng yêu nước để huy động các nguồn lực ứng phó với virus corona. Từ những áp phích theo phong cách Chiến tranh với khẩu hiệu ‘mỗi người dân là một chiến sĩ trong trận chiến chống lại covid” cho đến đến bài hát rửa tay “Ghen Co Vy” trở thành hiện tượng mạng toàn cầu, có thể thấy Việt Nam đã thành công trong việc kêu gọi người dân hy sinh một số quyền lợi trong ngắn hạn để nhanh chóng dập tắt đại dịch và gặt hái những lợi ích lâu dài. 60 triệu người dùng mạng xã hội của đất nước này thường xuyên lan truyền các bản cover của những bài hát yêu nước theo chủ đề covid, các bài thơ chủ nghĩa dân tộc chứa đầy những lời nhắc nhở về sự giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, và đặc biệt là ‘những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng’ của các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch vốn được mệnh danh là ‘những thiên thần mặc áo trắng.’ Hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới đều có lịch sử lâu dài chống lại chủ nghĩa thực dân và đấu tranh vì nền độc lập, do đó việc khơi dậy tinh thần yêu như cách làm của Việt Nam có thể mang lại lợi ích to lớn trong cuộc chiến chống lại virus.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ví von “mỗi doanh nghiệp, người dân, khu dân cư phải là ‘pháo đài’ chống dịch bệnh.” Nếu không có sự ủng hộ rộng rãi từ phía người dân, Việt Nam rất có thể đã thua trong trận chiến chống covid này. Mặc dù có dân số gần 100 triệu người, tổng chi tiêu y tế của Việt Nam chỉ ở mức 20 tỷ USD, tương đương với New Zealand dù nước này chỉ có 5 triệu dân. Các bệnh viện Việt Nam thường không có đủ giường ICU hoặc máy thở và do đó sẽ nhanh chóng bị quá tải nếu làn sóng lây nhiễm kéo dài và lan rộng ra toàn quốc. Khả năng xét nghiệm của Việt Nam cũng không nằm trong top đầu thế giới. Do đó, chính phủ Việt Nam đã bù đắp cho những thiếu thốn này bằng các chiến dịch truy vết mạnh mẽ. Đây là một phương pháp tiếp cận hiệu quả với chi phí thấp, nhưng đòi hỏi phải có sự hợp tác rộng rãi của công chúng và đôi khi phải trả giá bằng quyền riêng tư của người bệnh. Các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam đã công bố rộng rãi hành trình đi lại chi tiết của các bệnh nhân nhiễm covid. Dù mỗi người được gán một số thứ tự và về mặt lý thuyết vẫn là ẩn danh, nhưng trên thực tế cộng đồng mạng không mất nhiều thời gian để truy tìm danh tính và thậm chí là ném đá các ca bệnh siêu lây nhiễm và vi phạm quy định cách ly như trường hợp khét tiếng của Bệnh nhân 17. Dù có vài mặt trái như trên, điều này đã giúp các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin quan trọng và kịp thời, cho phép họ nhanh chóng xác định các bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn và theo dõi cách ly đến cả những trường hợp F3.
Bài học cuối cùng – và có lẽ là bài học sâu sắc nhất đối với Việt Nam – là vấn đề kiểm soát biên giới. Trong khi truyền thông phương Tây thường ca ngợi những câu chuyện thành công của Nhật Bản, Đài Loan hoặc New Zealand, đừng quên rằng đây là những quốc đảo. Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều có đường biên giới trên bộ, và đó là lý do tại sao câu chuyện của Việt Nam rất đáng được quan tâm. Trở lại vào mùa hè năm 2020, Việt Nam đã “sạch dịch” được hơn ba tháng – cuộc sống về cơ bản đã trở lại bình thường và covid bắt đầu cảm thấy như một ký ức xa xăm. Kỷ lục này đã bị phá vỡ bởi một chuỗi các ca bệnh ở thành phố biển Đà Nẵng. Quốc gia Đông Nam Á này đã ngưng các hoạt động di chuyển quốc tế kể từ sau đại dịch — và những người về nước trên các chuyến bay hồi hương phải chịu 2 tuần cách ly tối thiểu, mặc dù việc cách ly đến 4 tuần không phải là hiếm. Do đó, sự chú ý của cả nước đặt lên đường biên giới dài của Việt Nam với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Bộ trưởng Công An Tô Lâm gần đây đã thừa nhận rằng hàng trăm người nhập cảnh trái phép bị bắt mỗi ngày, qua đó xác nhận tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Y tế hồi tháng 7 rằng làn sóng dịch nói trên ở Đà Nẵng có nguồn gốc từ nước ngoài. Đây thực sự là một lời cảnh tỉnh cho các quốc gia trong việc tập trung hơn vào an ninh biên giới của họ, đặc biệt là khi những chủng corona mới đang hoành hành. Ngay cả đối với những nước có số ca nhiễm thấp, khả năng tái nhiễm vẫn rất cao. Nguyên nhân là việc không có dịch trong cộng đồng suốt một thời gian dài có thể khiến cả người dân và chính quyền mất cảnh giác và ít thực hiện các biện pháp bảo vệ như rửa tay, đeo khẩu trang hoặc tránh tụ tập đông người. Đây là điều kiện hoàn hảo cho sự hồi sinh nhanh chóng của virus – chỉ cần một số lượng nhỏ các ca lây nhiễm nhập cảnh trái phép là đủ để gây ra làn sóng dịch mới.
Sau cả năm chờ đợi thì vắc xin cũng đã có mặt, nhưng đại dịch thì còn lâu mới kết thúc. Đối với nhiều quốc gia, chẳng hạn như Ấn Độ, phải đến tận đầu năm 2023 mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Đó là chưa kể đến các nghiên cứu gần đầy chỉ ra các tác động nguy hại của những chủng corona mới đối với sự hiệu quả của vắc xin. Mặc dù thành công của Israel trong việc phân phối và triển khai vắc xin là điều đáng được học hỏi, nhưng các quốc gia trên thế giới – đặc biệt là các nước đang phát triển – nên xem xét kỹ bài học của Việt Nam, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

Về Tác giả: Nguyễn Lê Đông Hải là một nhà kinh tế và ký giả chuyên về địa chính trị và kinh tế phát triển tại Đông Á. Anh nghiên cứu kinh tế quốc tế tại Trường Dịch vụ Đối ngoại Đại học Georgetown. Anh là Giám đốc Hiệp hội Giáo dục Kinh tế Toàn cầu và Ủy viên Hiệp hội Hoàng gia Anh. Các bài viết của Nguyễn Lê Đông Hải đã được đăng tải trên The Diplomat, Times of Israel, Thrive Global, v.v.

Nguồn: Israel aced the vaccine rollout. But most of the world should learn from Vietnam. https://blogs.timesofisrael.com/israel-aced-the-vaccine-rollout-but-most-of-the-world-should-learn-from-vietnam/?fbclid=IwAR1AwNZGlcBt1AtkjC9ygCHpre1-z34QzF4t7AMYDFaO5DGU1cOvPLBajJE